Kenh giai tri, tin tuc giai tri,

Ánh Trăng Mười Sáu

(Boxgiaitri.net)Hoàng đang chìm đắm trong giấc ngủ say sưa thì có tiếng điện thoại reo vang. Giật mình, chàng cố nhướng mắt nhìn đồng hồ. Mới tám giờ sáng Thứ Bẩy. Lại mấy bà làm văn nghệ, văn gừng réo chứ không ai vào đây. Bạn bè Hoàng không mấy người dậy sớm gọi nhau vào giờ này. Quyên nằm bên điện thoại vẫn ậm ừ vùi đầu trong chăn, chuông reo ba lần không chịu trả lời. Hoàng tung chăn, với tay qua đầu Quyên, nhấc máy với giọng còn ngái ngủ:
- A-lô?
Tiếng đầu dây bên kia:
- Chào anh Hoàng, Thúy đây! Xin lỗi anh, tôi đánh thức anh dậy phải không? Nhưng có chuyện rất cần nên phải gọi trước khi chàng và nàng ra khỏi nhà.
Hoàng mỉa mai:
- Còn sớm mà, đi đâu vào giờ này, định ngủ cho đã giấc sáng ngày nghỉ đấy thôi. Chị muốn nói chuyện với Quyên hả?
- Bộ nói với anh để anh mắng xéo ư? Quyên dậy chưa?
- Chưa và đang lắc đầu không muốn nói chuyện!
- Anh bảo Quyên rằng có chuyện thập tử nhất sinh tôi mới réo sớm như thế này!
Tiếng Thúy léo nhéo quá lớn qua điện thoại, Quyên đang nửa tỉnh, nửa mơ cũng nghe được. Nàng uể oải thò tay ra ngoài tấm chăn màu hồng ấm áp, với máy nghe và áp vào tai:
- Khỉ ạ, gọi gì mà sớm thế?
- Có chuyện phải bàn. Báo vừa đăng, ngày chủ nhật 13 có hai vụ ra mắt thơ và CD khác cùng ngày giờ tụi mình định giới thiệu sách Diễm. Nghe nói họ sẽ gửi giấy mời tụi mình nữa. Nếu muốn họ tới dự buổi của mình, mình phải đến buổi của họ. Phải đổi ngày của Diễm, chứ không vỡ nợ hết.
Khách mời sẽ bị chia sẻ, không nhiều thì ít. Ngày Thứ Bẩy 12 không được rồi vì có hai đám cưới. Hay mình rời đến tuần sau.
Quyên đã tỉnh ngủ và cũng nhận thấy sự khủng hoảng đó. Nàng ngồi thẳng dậy, kéo cái gối cho giáp thành gỗ đầu giường để dựa lưng. Quyên vuốt tóc ngược qua trán và bắt đầu nhập vào ngày sinh hoạt:
- Không thể được. Diễm đã mua vé máy bay tới đây vào Thứ Tư. Tuần sau nó có buổi ra mắt sách khác ở Philadelphia và đám cưới con Minh ở New Jersey nữa chi? Chỉ còn chiều Thứ Sáu là được thôi. Bồ gọi cho Diễm biết vậy. Tôi liên lạc với Hội Quán Văn Nghệ để đổi ngày giờ ngay. Mong rằng chưa ai đặt ngày đó. Cũng may chưa in thiệp và đăng báo. Mấy bồ phải làm ngay những việc ấy vào Weekend này, không thể đợi đến thứ tư, thứ năm khi tôi được nghỉ rồi mới làm.
- Tôi sẽ gọi ngay cho Diễm. Nếu ngày giờ được đồng ý, tôi đưa thiệp đi in chiều nay, chiều Thứ Ba sẽ có. Tối thứ ba sẽ gọi Song, Minh, Liên, Hằng đến nhà tôi viết và gửi thiệp mời. Thứ tư đi đăng quảng cáo. Weekend tới, mọi người sẽ nhận được thiệp và hay tin qua báo. OK?
Vừa nghe Thúy hạ máy, Quyên quay số khác liền. Cứ thế cả buổi sáng Thứ Bẩy, nàng ngồi luôn trên giường lật giở cuốn sổ nhỏ, điện thoại đi khắp nơi. Vào phòng tắm Quyên cũng có cái máy không dây bên miệng, bên tai. Người ở đầu máy kia có lẽ nghe cả tiếng suối cô nàng róc rách chảy.
Nhưng mặc kệ, Quyên phải giải quyết xong mọi chuyện mới yên tâm được. Định làm việc gì nàng cho rằng chính đáng, có ý nghĩa, Quyên tận tình hoàn thành thật tốt đẹp với hết sức mình. Khi chấm dứt điện đàm với Diễm từ San Diego đồng ý sự thay đổi trên và bàn thêm vài chi tiết cần thiết, vừa đến giờ Quyên phải sửa soạn đi làm. Nàng chỉ kịp gói nắm xôi đậu xanh, mấy miếng chả và vội vàng ôm hôn Thùy, Tuấn, Hoàng rồi vừa tất tả chạy ra xe vừa dặn dò:
- Anh lo đưa chúng đi McDonald giùm em. Cám ơn anh. Yêu anh lắm lắm!
Gần muộn giờ làm, Quyên phóng xe xuống đường dốc. Nàng hít hơi dài lấy thêm sức và cảm thấy tội lỗi với Hoàng. Thùy, Tuấn là con riêng Quyên với người chồng quá cố chứ đâu phải con Hoàng. Nhưng hình như từ ngày dọn vào chung sống với nàng gần hai năm nay, Hoàng săn sóc trông nom Tuấn, Thùy nhiều hơn bổn phận Quyên phải làm. Chàng coi chúng như chính con mình. Nhất là khi nàng để nhiều thời giờ tham gia hoạt động cộng đồng, trường cũ, bạn xưa, tổ chức buổi giới thiệu sách cho Diễm sắp tới.
Cuộc đời tình cảm Quyên nhiều đau khổ, gian truân, Quyên muốn viết lại thành sách như Diễm nhưng không có thời giờ, tâm trí. Và, chắc đâu nàng có khả năng ấy. Diễm rất cảm phục bạn hoàn thành được tác phẩm. Kể ra Quyên không phải là trường hợp đặc biệt. Từ ngày, miền Nam bị Cộng Sản thôn tính, cả nước Việt Nam bị nhuộm màu cờ đỏ, cảnh tù đầy, uất hận, chia ly, tử biệt chùm lên cuộc đời hằng mấy chục triệu đồng bào xấu số. Những kẻ thoát được đến những bến bờ tự do, có dịp cởi mở, bộc lộ tâm tình mình trên trang giấy. Mỗi người Việt di cư hình như đều mang tâm hồn văn thơ tiềm ẩn từ kiếp nào. Người Việt lưu vong, dù may mắn thành công trên đường xây dựng cơ ngơi sự nghiệp, vẫn mang mối sầu xa xứ, thương xót quê hương đang trong cảnh đói khổ, lầm than, cùm kẹp. Bao nhiêu bản nhạc ra đời, tác phẩm văn thơ xuất hiện và họa sĩ tên tuổi mới ở hải ngoại.
Ánh Trăng Mười Sáu
Điều không thể chối cãi, Quyên có tài hội họa. Bắt đầu năm đệ tam, Quyên học vẽ với người bạn của thân phụ. Nàng có nhiều tranh triển lãm, được giải thưởng Hội Họa Học Sinh Toàn Quốc, Hội Việt Mỹ, Hội Họa Sĩ Trẻ... Tuổi hai mươi mơ mộng, nàng yêu Khanh, một sinh viên nàng gặp tại những lớp Đại Học Văn Khoa. Quyên đưa rất nhiều hình ảnh chàng vào tranh. Khanh làm thơ phổ nhạc tặng và đáp lại tình yêu của Quyên. Nhưng, những ngày thơ mộng ấy thui chột nhanh chóng. Vì lý do chính trị, Khanh và cả gia đình phải rời Sài Gòn đi Paris. Chàng hứa hẹn sẽ trở về khi tình hình cho phép hoặc sẽ đón nàng sang Pháp.
Thế rồi biến cố tháng tư 1975 xẩy tới, hai người mất liên lạc. Vài năm sau, Quyên được tin Khanh cưới vợ. Nàng bỏ vẽ, cho hết tranh và thề không bao giờ cầm đến cây cọ. Quyên không hề oán trách Khanh. Hoàn cảnh ngăn cách hai người, ngàn trùng, biền biệt. Không ai đợi ai mãi trong vô vọng. Nhưng tình đầu mạnh mẽ, cao cả, ma quái, vượt không gian, thời gian, đi theo hoài trong đời nhân vật vướng mắc. Nàng cố tìm quên, không muốn nhìn thấy những bức tranh kỷ niệm và không còn cảm hứng theo đuổi hội họa.
Trong giai đoạn khốn khổ của con người chế độ cũ kéo dài như vô tận trong chế độ mới, nàng kết hôn với Cương, cựu quân nhân vừa ra khỏi tù và cùng chàng đi theo diện nhân đạo sang Hoa Kỳ. Bốn năm sau, Cương qua đời vì bệnh ung thư gan để lại cho nàng hai đứa bé mồ côi, Thùy ba tuổi, Tuấn mới một tuổi. Quyên gồng mình đi làm hết việc này qua việc khác để nuôi con, trả nợ cái nhà nát như tương, cái xe cũ rích Cương cứ tưởng sẽ sống lâu dài để sửa chữa, xây tổ ấm. Việc nào của Quyên cũng là nghề lao động như khâu may, uốn tóc, làm móng tay. Vì sang sau muộn màng, tâm hồn tiếp nối những lo âu, buồn khổ, nàng không thể để tâm não vào việc học, hoặc thi lấy cái bằng nào, nghề nào chuyên môn bằng trí óc cho nhàn thân. Việc hiện tại của Quyên cũng chỉ là nấu ăn cho một khách sạn lớn. Vất vả, nhưng lương khá, có bảo hiểm sức khoẻ, một điều kiện rất cần thiết cho mẹ con nàng.
Hoàng thương sự vất vả, quả cảm ấy của Quyên và yêu nàng. Hai người gặp nhau trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương do Hội Cao Niên tổ chức. Thân phụ và thân mẫu Quyên qua đời sớm. Quyên có bà bác còn năng nổ tham gia sinh hoạt trong Hội Già. Ở ngoại quốc, cụ là bậc trưởng thượng độc nhất trong gia tộc Quyên thương kính như cha mẹ. Bà bác nhờ Quyên tiếp tay cho ngày lễ dân tộc đó.
Hôm ấy, Quyên khệ nệ bưng mâm xôi gấc với hai đứa con nhỏ đi bên cạnh. Nàng trang điểm rất nhẹ, áo dài màu rêu sậm, quần đen thật nhã nhặn. Sự mộc mạc, giản dị ở nàng khiến Hoàng muốn làm thân với hai đứa bé có đôi mắt to đen láy trên khuôn mặt bầu bĩnh, hình ảnh các con chàng thuở xa xưa. Hoàng mỉm cười với chúng. Hai đứa bé bẽn lẽn núp mặt trong vạt áo dài của mẹ. Quyên nghiêng chao người xuýt ngã. Chàng vội đỡ mâm xôi trên tay nàng và đặt giùm lên bàn thờ. Hoàng cũng vẽ hai tấm biểu ngữ và đem đến treo giúp ban tổ chức. Chàng có nghề quét vôi, sơn cửa, làm vườn, sửa nhà, một nghề tự do, không bận đầu óc.
Hoàng cũng theo diện nhân đạo một mình tới định cư tại Arlington. Vợ con chàng rời Việt Nam từ tháng tư 1975 khi Hoàng cùng đồng đội còn đang chiến đấu những giờ phút cuối cùng dưới vùng lục tỉnh. Chàng bị chế độ mới bỏ tù 8 năm. Vợ chàng, Liên lập gia đình khác ngay sau khi tới đất Mỹ. Hoàng vẫn liên lạc với các con và vợ cũ trong sự hiểu biết. Thời gian trong tù, chàng nhận được thư Liên thẳng thắn trình bầy tất cả sự thật và hoàn cảnh mới. Nàng vẫn gửi quà, nhắc nhở các con viết thư thăm chàng. Giờ đây, tuy cùng ở trên đất Mỹ, miền Đông, miền Tây cách nhau cả một chiều ngang lục địa, chẳng ai phiền lụy, giận hờn ai.
Trước mắt Hoàng hiện tại chỉ còn hình ảnh Quyên và các con nàng. Thực vậy, sau vài lần gặp gỡ trong những sinh hoạt cộng đồng khác, Quyên nhờ chàng đến sửa cho nàng cái cửa nhà xe bị xệ, không đóng, cũng không mở được. Tiện thể, chàng vặn lại đinh ốc cho mấy cái chân bàn, chân ghế lung lay, sau đó là những vòi nước rỉ, bồn rửa bát, bồn tắm tắc nghẹt. Nhà góa phụ trẻ phải đi làm khó nhọc từ 2 giờ chiều tới 10 giờ khuya như thế đó. Trước khi đến chỗ làm, Quyên phải đón và đưa hai đứa con đến nhà người quen nhờ giữ hộ, tới khuya mới đón chúng về.
Từ khi có cảm tình quyến luyến mẹ con Quyên, Hoàng bỏ những việc làm chiều Thứ Bẩy, Chủ Nhật để trông Tuấn, Thùy, đưa chúng đi ăn hamburgers, pizza, đi xem movies, đi chơi công viên, sở thú... hay chăm sóc cho nàng cái vườn bỏ hoang, hoa khô, cỏ cháy. Người đàn bà, người đàn ông cảm thông sự cô đơn, sự cần thiết có nhau, tìm tới nhau. Một đêm Hoàng ở lại và ở lại nhiều lần sau đó cho đến khi công nhiên chung sống hẳn với Quyên.
Hai đứa bé coi Hoàng như bố. Hình ảnh người cha lên thiên đường từ bốn năm nay dần dần mờ nhạt. Với tâm trí non nớt, Tuấn, Thùy quấn quít yêu thương Hoàng vì sự săn sóc thật tình chàng dành cho chúng. Chúng sung sướng được người cha như những đứa trẻ khác có. Với đôi bàn tay và trái tim bao dung, Hoàng xây dựng lại mái nhà ấm cúng, khang trang cho mẹ con Quyên. Hoàng đang đào đào, xới xới vườn sau xây cái hồ gạch lớn.
Vậy mà từ mấy tháng nay, ỷ lại có Hoàng, Quyên tham gia nhiều hội hè, đình đám, để chàng luôn luôn lủi thủi với Thùy, Tuấn ở nhà. Nàng đâu nhìn thấy hoa lá được vun trồng, gạch ngói được xây cất vườn trước, sân sau. Hết giỗ Hùng Vương, Trưng Vương, Hội Già, Hội Trẻ lại đến họp mặt kỷ niệm 20 năm ra trường mời tất cả bạn học toàn quốc, năm châu, bốn bể về dự và ra đặc san dầy cộm hình ảnh chữ nghĩa, tốn bao công của.
Tuy nhiên, Hoàng cũng thấy vui lây khi cùng Quyên tham dự tiệc họp mặt, ca nhạc, ngâm thơ, kịch nghệ, hội thảo, chụp hình, quay phim tưng bừng, ăn uống tràn trề luôn hai ngày cuối tuần. Trước và sau đó các vị phu quân, kể cả Hoàng phải làm tài xế chở đầy xe khách xa gần đi xem danh lam thắng cảnh vùng Washington, D.C., Maryland, Virginia. Chưa nghỉ ngơi lấy sức, lại đến buổi ra mắt sách này của một nàng văn sĩ mới ra lò. Vừa nhận được cuốn sách, Quyên giúi ngay vào tay Hoàng với cây viết đỏ:
- Anh đọc giùm em, xem chỗ nào đặc biệt đáng chú ý và anh thích, anh gạch xuống, ghi chú bên cạnh rồi cho em biết. Gấp quá rồi, em không có thì giờ đọc.
Quyên đặt lên tóc, lên tai Hoàng những nụ hôn vuốt ve, khuyến khích. Làm sao chàng từ chối nàng được! Vài hôm sau, khi thấy Hoàng đọc xong và nói, “truyện cũng được, lôi cuốn, cảm động, Quyên lại dụ dỗ, năn nỉ:
- Em cũng nghe nói thế! Được lắm! Tiện thể anh đọc và gạch ghi tất cả những dẫn chứng rồi, chỉ cố một buổi tối anh viết xong bài giới thiệu! Chịu khó làm giùm em thêm tí nữa đi!
- Đã lâu lắm không làm việc này, anh không đủ kiên nhẫn ngồi viết tỉ mỉ đâu.
- Không cần tỉ mỉ, chỉ hai trang với những yếu tố chính cũng tốt rồi. Diễm là bạn thân của em. Đàn bà mấy ai dám viết cả cái dở, thói hư, tật xấu của chính mình như nó. Diễm muốn hy sinh cái nó để tìm, để đổi lấy những tốt đẹp và hy vọng cho cuộc đời, xã hội.
- Thực vậy, nếu Diễm hồn nhiên thuật lại tuổi thơ ngây cô ấy cũng phải sống lại một thời đau khổ, gian truân với nhiều nước mắt khi viết cuốn sách này. Đôi lúc anh muốn viết lại thời kỳ ở tù, nhưng anh sợ sống lại những cảnh đầy máu hận ấy. Anh sợ tim anh sẽ cạn khô không còn nhịp đập để yêu em, để lập lại cuộc đời với em.

Ánh Trăng Mười Sáu Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Đăng nhận xét